Với triết lý hành động “Người lao động có năng lực là tài sản quý giá nhất của Công ty”, Sê San 3A xem người lao động là cái gốc của sự phát triển bền vững và lấy việc đào tạo, huấn luyện làm mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của Công ty. Trong đó, việc xây dựng văn hóa học tập và chia sẻ là một trong những hoạt động được cụ thể hóa triết lý trên.
Văn hóa học tập và chia sẻ đem lại những lợi ích gì cho cá nhân và Công ty?
Văn hóa học tập và chia sẻ giúp nâng cao tay nghề và kỹ năng, cho phép mỗi cá nhân có thêm cơ hội khẳng định bản thân và có tiếng nói trong tổ chức, đó là thang cao nhất trong “Tháp nhu cầu của Maslow”. Con người luôn có nhu cầu thể hiện bản thân (self - actualization), muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, trình diễn và được công nhận là thành đạt khi có được kiến thức từ học hỏi và ứng dụng. Tất cả nhân sự cùng nhau học tập và chia sẻ, thì Công ty sẽ tăng hiệu suất và đổi mới hiệu quả, từ đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.
Một môi trường có văn hóa học tập mạnh mẽ giúp cá nhân linh hoạt và sẵn sàng ứng phó với những thay đổi của thị trường, công nghệ và quy định pháp luật. Khi chia sẻ thông tin và học hỏi từ những sai lầm và thành công của người khác, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và lỗi lầm trong quy trình làm việc. Điều này, sẽ giúp cho Công ty duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường đồng thời nâng cao uy tín và thương hiệu của Công ty.
Khi những thông tin và kiến thức được chia sẻ mở rộng sẽ cải thiện sự hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả hơn, xây dựng một đội ngũ đồng đều hơn, với những kỹ năng và kiến thức đa dạng, từ đó thúc đẩy sự hợp tác hiểu biết và niềm tin lẫn nhau.
Một thống kê từ các chuyên gia cho thấy, 94% nhân viên sẽ gắn bó lâu hơn với công ty nếu công ty đầu tư vào phát triển nghề nghiệp của họ và 46% nhân viên cho rằng không có cơ hội học hỏi phát triển là lý do họ cảm thấy chán nản trong công việc, và mất động lực cống hiến (trích từ nguồn Edume). Xây dựng Văn hóa học tập và chia sẻ là cách mà Công ty quan tâm, hỗ trợ để người lao động được phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình, giúp họ cảm thấy được đánh giá cao và có cơ hội thăng tiến cũng như tạo động lực để họ gắn bó lâu dài với Công ty.
Một khi kiến thức và kỹ năng giao tiếp được phát triển - kết hợp với môi trường an toàn, các thành viên sẽ sẵn sàng chia sẻ quan điểm cũng như đề xuất các giải pháp mà trước đó, họ có thể không làm vì e sợ vấp phải phản đối. Môi trường làm việc có văn hóa học tập và chia sẻ cho phép mâu thuẫn lành mạnh giữa các cá nhân sẽ góp phần giúp văn hóa của Công ty trở nên năng động và sáng tạo.
Xây dựng một văn hóa học tập và chia sẻ là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực từ cả Ban Lãnh đạo và nhân viên. Tuy nhiên, những lợi ích mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Một tổ chức có văn hóa học tập mạnh mẽ sẽ là một tổ chức có khả năng thích ứng cao, sáng tạo không ngừng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số đầy biến động.
Bài: Võ Thị Mỹ Hạnh, ảnh: nguồn Interner