Văn hoá đọc đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội. Phát triển nền văn hoá đọc là phát triển hành vi ứng xử đẹp, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội. Thấu hiểu được giá trị đó, Công ty đã xây dựng một không gian đọc sách làm khơi dậy văn hóa đọc cho mỗi người lao động.
Không gian đọc dành cho người lao động yêu sách
Để không gian đọc sách có nhiều đầu sách hay và phong phú cho “phòng đọc mở”, Công ty đã kêu gọi người lao động tặng những quyển sách tâm đắc của mình vào không gian đọc sách chung của Công ty. Không gian đọc sách được bài trí đẹp mắt, khoa học trên tầng 4 của tòa nhà Sê San 3A với các kệ đựng sách, kết hợp mô hình cà phê – sách, thiết kế tiểu cảnh hài hòa, tạo nên tổ hợp phòng đọc sách thư giãn, giao lưu, gặp gỡ lý tưởng. Các cuốn sách do người lao động tặng được phân loại, xếp gọn gàng, bày biện đẹp mắt trên kệ. Những quyển sách hay và nhân văn được đem đến ủng hộ, có những cuốn đã ngả màu thời gian, song vì thế mà dường như từng cuốn sách cũng trở nên gần gũi, thân thuộc hơn.
Những cuốn sách hay được người lao động tặng cho tủ sách Công ty
Người lao động chăm chú đọc sách tại “phòng đọc mở”
Nhưng trọng tâm và mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc trong Công ty chính là tạo nên thói quen đọc, sở thích đọc, đồng thời tạo kỹ năng tư duy, phân tích và điều khiển cảm xúc của bản thân mỗi người lao động. Như vậy, việc đọc sách mỗi ngày giúp cho mỗi người tự học hỏi, trau dồi kiến thức và hoàn thiện nhân cách sống cho riêng mình.
Tác giả: Đặng Thị Phương