Nhiều điện gió, điện mặt trời, tại sao Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu điện

31/05/2022

Điện gió, điện mặt trời chiếm 30% công suất hệ thống điện, phát hơn 15% sản lượng điện, nhưng Việt Nam, nhất là miền Bắc, vẫn có nguy cơ thiếu điện vào mùa nắng nóng. 

Tính bất định của năng lượng tái tạo

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) gần 20.700 MW đến cuối năm 2021, chiếm gần 30% tổng công suất đặt nguồn điện. 4 tháng đầu năm, loại năng lượng này được huy động gần 13,2 tỉ kWh, chiếm 15,4% lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 70% số này là nguồn từ điện mặt trời và 30% từ điện gió.

Tỉ trọng công suất và huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao hơn nhiều so với trước đây, nhưng Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng. Điều này được ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – giải thích, mặc dù Việt Nam đứng đầu ASEAN về công suất lắp đặt. Nhưng khi thời tiết biến động, điện mặt trời không phát huy được 17.000 MW, điện gió cũng chỉ huy động được rất khiêm tốn.

Ông Võ Quang Lâm nói về nguy cơ thiếu điện mùa nắng nóng. Ảnh: C.N 

Đây chính là tính bất định của năng lượng tái tạo. Do đó, trong 4 tháng vừa qua, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong đảm bảo cung ứng điện quốc gia.

4 tháng qua, cả nước tiêu thụ 87 tỉ kwh, trong đó, than 39 tỉ, khí 11 tỉ, thuỷ văn đóng góp 22 tỉ. Trên tổng sản lượng như vậy, năng lượng truyền thống đã đóng góp 77 tỉ, chiếm một tỉ lệ rất cao.

Đề xuất thí điểm dự án pin tích trữ năng lượng

Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh – cho hay, năng lượng tái tạo là nguồn quan trọng trong tương lai, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bởi đây là nguồn năng lượng không cần nhiên liệu sơ cấp.  Tuy nhiên, thách thức ở đây là khả năng dự báo nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào.

Trong những năm qua, Trung tâm Điều độ hệ thống điện (A0) đã có sự chuẩn bị trong vấn đề này, như mua số liệu, xây dựng công cụ dự báo, đáp ứng giữa cân bằng cung cầu phát điện trong hệ thống.

Tuy nhiên, nếu như trước đây, công suất gió còn nhỏ, nhu cầu không lớn, thì bây giờ, khi gió và điện mặt trời là nguồn chính yếu tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bài toán đặt ra là phải dự báo như thế nào, truyền tải ra sao.

Để đủ điện cho phục hồi kinh tế sau dịch, ngoài cân đối các nguồn điện hiện có, ông Hà Đăng Sơn góp ý, về dài hạn Việt Nam cần có chiến lược phát triển lưới điện liên vùng, thúc đẩy thoả thuận mua bán điện và phối hợp điều độ lưới điện trong ASEAN, tương tự EU. Hiện, Việt Nam mới có tuyến kết nối điện truyền tải để mua thêm điện từ Lào, Trung Quốc.

Trong khi đó, lãnh đạo EVN nhìn nhận, Việt Nam cần phát triển thị trường dịch vụ năng lượng. Đây là thị trường dịch vụ tích trữ các loại năng lượng khác để biến thành điện và sử dụng ngay khi cần. Thị trường này sẽ giúp hệ thống điện bền vững, tối ưu khi nguồn năng lượng tái tạo vận hành ngày càng nhiều,

Ông Võ Quang Lâm cho rằng, để có hệ thống điện vững chắc thì phải có thị trường dịch vụ năng lượng. Hệ thống điện tích năng hay hiện hữu là giải pháp quan trọng.

Ngoài ra, trên thế giới còn có nhiều giải pháp như hydro xanh, pin lưu trữ… nhưng ở Việt Nam hiện chưa có. EVN đề xuất Bộ Công Thương thí điểm dự án pin tích trữ năng lượng để sẵn sàng khi nguồn năng lượng tái tạo dồi dào.

Việt Nam bị tác động khi nguồn cung năng lượng thế giới nghẽn lại

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng thế giới dồi dào như Nga bị nghẽn lại – sẽ làm chuyển dịch nguồn thị trường năng lượng sơ cấp của thị trường thế giới.

Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của bức tranh chuyển dịch chung này. Chính vì vậy, về dài hạn, cần phải có chiến lược để ổn định nguồn cung năng lượng sơ cấp, đảm bảo cung ứng năng lượng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng cường mua điện từ các quốc gia láng giềng, tăng cường thúc đẩy mạng lưới điện trong khu vực Asean hoặc tiểu vùng sông Mekong, thúc đẩy hình thành mạng lưới thị trường điện trong khu vực.

Còn về ngắn hạn, ngành điện cần căn cơ trong huy động các nguồn điện, vận hành tối ưu hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm cung ứng điện theo năm, theo từng giai đoạn.

 

Nguồn tin EVNGENCO 3 theo LDO