Hưởng ứng phong trào kêu gọi của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chung tay hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động với chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiểm rác thải nhựa. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Sê San 3A triển khai thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” trong toàn thể người lao động Công ty. Vì sự chung tay góp sức của mỗi người dân Việt Nam góp phần loại bỏ tình trạng ô nhiểm “trắng” do rác thải nhựa gây ra, chúng ta hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần ngay hôm nay.
Theo nhận định của ông Albert T.Lieberg, Trưởng đại diện tổ chức Liên hiệp quốc (FAO) ở Việt Nam: Việt Nam là một trong 5 Quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa/năm (chiếm 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới) trong 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương trên toàn cầu mỗi năm. Đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải còn hạn chế. Điều này gây ra gánh nặng cho môi trường và tạo ra mối đe dọa nguy hiểm từ rác thải “nhựa”.
Chỉ một chiếc túi nilon nhỏ nhưng phải mất 100 năm mới có thể phân hủy, một chiếc chai nhựa dù nhỏ cũng cần ít nhất gần 200 năm mới phân hủy được. Bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi với hàng triệu tấn nhựa được sản xuất, tiêu thụ và thải ra môi trường mỗi năm, trong khoảng 100 đến 200 năm chờ đợi thì chúng ta sẽ ở đâu?
Những chất thải nhựa, túi nilon thải ra nằm chờ ở những bãi rác, gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động chôn lấp, đốt không thể giúp phân hủy chúng mà còn gây ra các khí thải độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc chôn lấp gây ô nhiễm nguồn nước, làm chết các loài vi sinh vật có lợi dưới lòng đất ảnh hưởng đến việc nuôi trồng tại những vùng đất này. Phần rác thải trôi ra biển gây ra cái chết cho hàng loạt sinh vật biển từ việc các sinh vật này nuốt phải chai, lọ, vật dụng bằng nhựa.
Bạn hãy tưởng tượng nếu 1 ngày thế giới tràn ngập rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy, các loài sinh vật biển, vi sinh vật có lợi dưới đất không còn tồn tại, nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm, các loài cây cối cũng chết dần vì các mảnh đất khô cằn chứa toàn rác thải thì cuộc sống của chúng ta khi đó sẽ như thế nào?
Các thành viên Sê San 3A hãy hành động: “Nói không với rác thải nhựa” bằng những việc làm thiết thực như:
- Thay văn phòng phẩm bằng nhựa như túi đựng hồ sơ, kẹp tài liệu, giấy đánh dấu, hộp đựng hồ sơ…bằng các vật liệu có thể tái chế.
- Sử dụng bình, ly thủy tinh đựng nước thay thế chai nhựa sử dụng một lần tại các cuộc họp, hội nghị của Công ty; Các đơn vị đun nước sôi để nguội đựng trong bình lớn và sử dụng cốc thủy tinh để sử dụng hằng ngày.
- Mỗi người lao động hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa… trong các hoạt động hằng ngày và tuyên truyền với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hiểu tác hại của rác thải nhựa và cùng thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa”.
- Hãy tuân thủ nguyên tắc: Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế chất thải.
Vì sức khỏe của cộng đồng nói chung và người dân Việt Nam nói riêng chúng ta hãy cùng chung tay hạn chế tối đa rác thải nhựa.
.
Hình ảnh rác thải nhựa tràn ngập bãi biển đe dọa sức khỏe con người
Bài: Phan Thị Cẩm Liên, Ảnh: nguồn sưu tầm trên Internet