Đánh giá KPI quan trọng hơn bạn nghĩ

18/10/2019

Đánh giá KPI (Key Performance Indicator) hiện đang là phương pháp phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong quản trị nhân sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không ít công ty đã “gãy gánh giữa đường” chỉ vì cách làm hời hợt, chiếu lệ.
Điều này thực sự đáng tiếc, bởi lẽ KPI có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nếu được sử dụng đúng. Cụ thể:
⦁    KPI giúp khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên.
⦁    KPI đóng góp và ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu kinh doanh.
⦁    KPI giúp thúc đẩy sự phát triển cá nhân của mỗi nhân viên.
⦁    KPI là cách thiết yếu để quản lý hiệu suất công việc.
1. Đánh giá KPI đúng cách giúp khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên.
Đây là một trong những giá trị quan trọng nhất của KPI, nhưng lại ít được nhắc đến.
Việc theo dõi và đánh giá KPI giúp ghi nhận sự đóng góp của nhân viên đối với doanh nghiệp, đồng thời nhắc nhở họ về những trách nhiệm đã cam kết. Nhờ vậy, nhân viên sẽ không ngừng thúc giục bản thân tiến bộ để hoàn thành công việc tốt hơn.
Ngoài ra, khi đạt được một chỉ tiêu KPI đã đề ra, nhân viên sẽ hạnh phúc hơn với cảm giác “sở hữu thành tựu” - bằng chứng rõ ràng về sự đóng góp của họ đối với tập thể. Từ đó, nhân viên sẽ càng gắn bó với doanh nghiệp hơn, khao khát cống hiến nhiều hơn.

                                                             

                                                                                 Đánh giá KPI đúng cách giúp khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên.
2. Các chỉ số KPI ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kinh doanh.
Các chỉ số KPI được thiết lập dựa trên những mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Do đó, khi mỗi cá nhân hiểu rõ và có trách nhiệm với KPI của mình, thì đồng thời họ cũng hướng tới thực thi mục tiêu kinh doanh chung của công ty.
Bên cạnh đó, KPI đảm bảo việc đánh giá hiệu quả công việc không cảm tính, chiếu lệ. Nó đảm bảo mọi công việc dù lớn nhỏ đều được thực hiện có mục đích, đúng định hướng.

Các chỉ số KPI ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kinh doanh

3. Đánh giá KPI giúp thúc đẩy sự phát triển cá nhân.
Không phải mọi dự án hay chiến dịch đều đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, bằng cách giám sát hiệu suất căn cứ trên các chỉ số KPI, doanh nghiệp sẽ tạo ra một môi trường không ngừng học hỏi và cải tiến.
Nhờ đánh giá KPI, các phòng ban có thể dễ dàng theo dõi tiến độ thực hiện công việc tại mọi thời điểm, mà không cần chờ đến cuối quý hoặc kết thúc dự án.
Theo dõi thường xuyên KPI, đặc biệt là trên hệ thống đo lường KPI theo thời gian thực (realtime KPI dashboard), sẽ giúp trả lời những câu hỏi như: cần làm những việc gì, tại sao nên làm những việc đó, làm như thế nào, khi nào.v.v...
Nhờ vậy, cá nhân/tổ chức có thể liên tục nhìn nhận lại từng hoạt động công việc là hiệu quả hay chưa, cần cải tiến những gì.
Bản thân nhân viên khi tự giám sát hiệu suất công việc của chính mình, và có các giải pháp tức thời, thì cũng dễ dàng đạt được mục tiêu hơn, biết cách để thay đổi có lợi hơn trong tương lai.
Tóm lại, việc đánh giá KPI và cải tiến liên tục không những giúp mỗi cá nhân làm việc linh hoạt hơn, mà còn giúp họ đạt được nhiều thành tựu hơn. Điều này đặc biệt cần thiết cho sự phát triển cá nhân và thỏa mãn trong công việc.
             

Đánh giá KPI giúp thúc đẩy sự phát triển cá nhân.
 

4. Đánh giá KPI có vai trò quyết định đối với quản trị hiệu suất.
Đây là lợi ích lớn nhất của việc đánh giá KPI, là sự tổng hợp của tất cả các lợi ích nói trên: những gì đo lường được thì cũng sẽ quản lý được. Kể cả tinh thần, văn hóa, hay năng lực của nhân viên.
KPI giúp minh bạch và đơn giản hóa việc quản lý hiệu suất, bằng cách cho phép mọi người nhìn thấy không chỉ những gì họ đang làm, mà cả những gì đồng nghiệp/mọi người xung quanh khác làm. Nhờ vậy, tất cả mọi người đều đảm bảo làm việc theo cùng một định hướng, mục tiêu.

 

Đánh giá KPI có vai trò quyết định đối với quản trị hiệu suất

Kết luận: Vì những lí do trên, việc áp dụng KPI vào doanh nghiệp không đơn giản chỉ là áp đặt chỉ số dành cho nhân viên, mà cần thiết hiểu được ý nghĩa của việc đánh giá KPI ảnh hưởng đến nhân viên và doanh nghiệp như thế nào, để từ đó có thể áp dụng và thực hiện có hiệu quả.
                                                                                                                                                                                 Trích nguồn: Cloudjet Solutions Corp

                                                                                                                                                                                  Người sưu tầm: Võ Thị Mỹ Hạnh