Con đường dẫn vào nhà máy thủy điện Sê San 3A quanh co uốn lượn giữa sườn đồi, những vườn cafe bạt ngàn trên đất đỏ, những chiếc cầu bắc ngang dòng sông đang chảy siết và âm thanh vang vọng hùng vỹ giữa đại ngàn.
Người thợ vận hành vào ca trực với công việc hằng ngày là kiểm tra, ghi thông số thiết bị, thực hiện thao tác bấm nút, vặn nút, click chuột, ghi chép sổ sách, chốt sản lượng, báo cáo số liệu vận hành, số liệu thủy văn, … Công việc cứ lặp đi lặp lại tưởng như nhẹ nhàng, đơn giản nhưng vất vả vô cùng. Để thiết bị nhà máy làm việc an toàn, tin cậy, người thợ vận hành không thể làm qua loa, đại khái, theo thói quen mà khi kiểm tra thiết bị phải rất kỹ lưỡng theo quy trình, nhìn từng thiết bị, so sánh từng thông số, tai phải luôn lắng nghe âm thanh thiết bị có khác thường không? mũi phải ngửi được mùi của thiết bị có khác lạ không? thì mới có thể phát hiện kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn gây hư hỏng hoặc lỗi thiết bị… Và mỗi khi gặp sự cố dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thợ vận hành phải bình tĩnh xử lý một cách nhanh nhất đảm bảo thiết bị nhà máy an toàn. Bởi các anh đều hiểu nếu không bình tĩnh xử lý đúng quy trình sẽ gây sự cố lan truyền làm ảnh hưởng tới hoạt động của tổ máy, kéo theo sự thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty.
Công việc là vậy, nhưng ai biết được người vận hành có nỗi khổ riêng là làm việc theo ca - kíp, đồng hồ sinh học đôi khi cũng loạn nhịp. Khi người ta nghỉ, thì mình lại đi làm. Khi mình được nghỉ thì “không có bạn mà chơi”. Đôi khi nghĩ tức cười, tối tối mọi người chúc nhau ngủ ngon, chúng tôi lại “lọ mọ” chuẩn bị vào ca trực. Sáng ra, họ chào buổi sáng, chúng tôi lại vùi mình vào giấc ngủ sau một đêm thức trắng.
Ai đó ví “Nghề vận hành là tỷ phú về thời gian” thì chúng tôi không biết trả lời thế nào. Chúng tôi có không ít những công việc không tên không thể kể hết để đảm bảo cho công việc vận hành các tổ máy an toàn, ổn định. Đó là chưa kể những hôm bị sự cố, sửa chữa, thí nghiệm định kỳ hay những hôm nước lũ về, người thợ vận hành phải căng mình tính toán, điều tiết để đảm bảo vận hành các tổ máy an toàn, hạn chế tối đa xả tràn thì cứ gọi là “mệt bở hơi tai”. Những hôm có tiệc vui của Công ty, chúng tôi - những người thợ vận hành có lúc không thể tham gia “vì nhiệm vụ là chuyện thường ngày”.
Dẫu có nhiều khó khăn, vất vả, có cả thiệt thòi, hy sinh cho công việc, nhưng với những người thợ vận hành thì việc đảm bảo các tổ máy an toàn, thông suốt, liên tục là niềm vui của chúng tôi vì phía sau sự vất vả, nhọc nhằn là nụ cười của người thân, đồng nghiệp.
Nhân viên trực vận hành tính toán lưu lượng nước
Nhân viên trực vận hành kiểm tra hệ thống rơ le của tổ máy
Nhân viên trực vận hành thao tác thiết bị trạm 220 kV
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hưng